CÔNG TY CP THƯƠNG MẠI XNK THỦY SẢN THANH ĐOÀN

THANH DOAN FISHERIES IMPORT - EXPORT JOINT STOCK COMPANY

Quản lý nuôi thủy sản nước ngọt: Còn nhiều điều cần bàn

Thứ năm - 28/04/2016 05:17
Nuôi theo hình thức quảng canh, manh mún, thiếu con giống đảm bảo chất lượng, hệ thống thủy lợi phải đi “găn chực”, liên kết giữa “các nhà” còn hạn chế, cơ chế và tổ chức quản lý còn nhiều bất cập…
Quản lý nuôi thủy sản nước ngọt: Còn nhiều điều cần bàn

Đó là những vấn đề nổi cộm mà ngành nuôi thủy sản nước ngọt Việt Nam phải đối mặt

Trong 3 ngày 19, 20 và 22/9/2011, Tổng cục Thủy sản (TCTS) đã tổ chức 3 hội nghị “Sơ kết tình hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2011 và đề xuất giải pháp triển khai năm 2012” tại 3 khu vực Bắc-Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và Nam Bộ. Tại những hội nghị đó, nhiều khó khăn, thách thức mà khu vực nuôi thủy sản nước ngọt (NTSNN) đang phải đối đầu đã được nhận diện khá rõ.

Miền Bắc: Có mô hình tốt, nhưng chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, tự phát…
Theo thống kê của TCTS, diện tích NTSNN của các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là hơn 163.000 ha, bằng 76% diện tích NTTS của toàn khu vực. Sản lượng thủy sản nước ngọt hàng năm ước đạt gần 230.000 tấn.

Một số địa phương đã có sự bứt phá để đạt năng suất và chất lượng cao trong NTTS, điển hình là Hải Dương với mô hình NTSNN hàng hóa, chủ động xây dựng những cơ sở cung cấp cá giống quy mô lớn và đảm bảo chất lượng, không chỉ đủ cung ứng cho nhu cầu của người nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh khác trong khu vực.

Hầu hết người nuôi thủy sản ở Hải Dương đều sử dụng thức ăn chế biến và nuôi theo mô hình công nghiệp. Ông Phạm Văn Phục, chủ nhiệm HTX Cá Xuân Nẻo ở Tứ Kỳ cho biết: “Nuôi cá công nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ mất khoảng 15 phút cho ăn. Thứ hai, nuôi công nghiệp cá nhanh lớn, hiệu quả cao. Cá nuôi công nghiệp ít nhiễm bệnh vì mình rất chú ý quản lý, thay nước, thực sự là nuôi chứ không phải chỉ là thả cá.”

Hiện nay, tỉnh có số lượng lớn các hộ, liên hợp tác xã phát triển NTTS theo hướng hàng hóa tập trung. Năng suất cao nhất có thể đạt tới 12-15 tấn/ha. Khi thực hiện mô hình này, tỉnh Hải Dương đã chú trọng gắn liền sản xuất với nhu cầu thị trường, đẩy mạnh XTTM và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiệu quả thu được đã khuyến khích nông dân và các cơ sở NTTS mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, từ bỏ dần lối sản xuất manh mún, kém hiệu quả như trước kia.

Tuy nhiên, Hải Dương chỉ là một trong số những điểm sáng hiếm hoi ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nơi hoạt động NTSNN chủ yếu theo quy mô nhỏ, manh mún, phân tán, hiệu quả kinh tế không cao.

Theo các chuyên gia NTTS, muốn phát triển bền vững ngành NTSNN, các địa phương khác trong khu vực cần học tập Hải Dương đi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng hỗ trợ nông dân kiến thức về khoa học kỹ thuật, sử dụng thuốc thú y và đặc biệt về vốn, ...

Miền Trung: Thiếu giống, hệ thống thủy lợi và quan trắc cảnh báo môi trường
Theo TCTS, trong 6 tháng đầu năm, khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên có tổng diện tích NTSNN là 36.039 ha, bằng 75% diện tích NTTS trong khu vực và bằng 97% kế hoạch năm. Sản lượng thủy sản NTSNN đạt 18.459 tấn, bằng 35% sản lượng NTTS của toàn vùng và bằng 56% kế hoạch.

Khu vực này hiện có 31 trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt đã đưa vào sản xuất với sản lượng con giống từ đầu năm đến nay 70 triệu con, hầu hết các tỉnh đều có trung tâm sản xuất giống thủy sản. Tuy nhiên, chất lượng và số lượng cá giống chưa đáp ứng nhu cầu. Việc kiểm soát chất lượng con giống còn bị bỏ ngỏ. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ngãi có 1 trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt, mỗi năm sản xuất được khoảng 1,5 - 2,0 triệu con giống, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của người nuôi tại địa phương. Tỉnh Quảng Nam có 2 cơ sở sản xuất giống, cung cấp được 5 triệu con giống/năm.

Đắk Lắk, tỉnh đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên, có 9 cơ sở sản xuất giống, thỏa mãn được trên dưới 50% tổng nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm, chủ yếu là giống các loài cá nuôi truyền thống, còn con giống các loài như điêu hồng, rô phi đơn tính, các lóc môi trề, v.v... đều phải mua từ các tỉnh phía nam. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên có tới 6 cơ sở sản xuất giống nhưng mỗi năm chỉ sản xuất ra 0,8 triệu con giống.

Lý giải cho điều này, Vụ trưởng Vụ NTTS Nguyễn Huy Điền cho biết, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển NTSNN quy mô lớn, nhờ có nhiều hồ chứa và sông suối, tuy nhiên việc đầu tư cho hạ tầng NTTS còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là về hệ thống thủy lợi, hệ thống sản xuất giống cũng như hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh.

Nông dân và đồng bào các dân tộc chủ yếu nuôi thủy sản theo kinh nghiệm, truyền thống, trình độ kỹ thuật thấp, khống có nguồn vốn lớn đầu tư cho phát triển NTTS, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Ở các địa phương ở khu vực này, hầu hết đàn cá bố mẹ ít được thay thế, bổ sung, việc lưu giữ giống gốc, giống thủy sản ông bà, sản bố, mẹ chưa được chú trọng. Tại Đắk Lắk, hằng năm có 10-16 tấn cá bố mẹ các loại được đưa vào nuôi vỗ cho đẻ, tuy nhiên chất lượng cá bố mẹ chưa đảm bảo, một số đàn cá bố mẹ truyền thống hầu như đã thoái hóa. Còn tại Lâm Đồng, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm Quảng Hiệp có khoảng 5 tấn cá bố mẹ cho năng suất, chất lượng ổn định, tuy nhiên Trạm chưa chuyển giao đàn cá bố mẹ nào cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, để giải quyết giống cho nhu cầu nuôi của dân, các tỉnh trong khu vực này cần có lộ trình để thay thế giống thủy sản truyền thống bằng giống các mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, đẩy mạnh và khuyến khích hoạtđộng của trại giống tư nhân. Ngoài ra, các tỉnh cần hình thành các trại ương nuôi cá bột, cá giống tại các vùng sâu, vùng xa, xây dựng dự án chuyển giao công nghệ nuôi các loài cá bản địa, tạo sinh kế mới cho người dân.

Nam Bộ: Cơ chế quản lý còn nhiều bất cập
Nam Bộ là khu vực tập trung phần lớn diện tích và sản lượng NTSNN của cả nước và là nơi đi đầu trong NTSNN qui mô hàng hóa. 

Theo TCTS, trong 6 tháng đầu năm 2011, diện tích và sản lượng thủy sản nước ngọt vùng ĐBSCL là 98.640 ha và 882.568 tấn, bằng 14% diện tích và 74% sản lượng thủy sản nuôi trong toàn vùng; trong đó, diện tích nuôi cá tra 3.560 ha, sản lượng 581.144 tấn, bằng 4% diện tích nhưng chiếm tới 66% sản lượng thủy sản nước ngọt nuôi trong khu vực. Tại 19 tỉnh phía nam có tổng số 560 trại sản xuất thủy sản nước ngọt giống, cung cấp gần 5 tỷ con giống cho nuôi thương phẩm.

Mặc dù đạt kết quả cao, nhưng nhìn chung khu vực này cũng gặp đủ những vấn đề mà các khu vực khác đang vấp phải. Nổi cộm là chất lượng con giống thấp, chưa có thương hiệu cho những loài cá chủ lực, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút đầu tư của các DN công nghệ cao, mối liên kết giữa các “nhà” lỏng lẻo, v.v…

Tuy nhiên, “nóng” nhất vẫn là sự thiếu thống nhất, chồng chéo và quá nhiều bất cập trong quản lý NTTS ở khu vực này.

Th.S Trần Anh Dũng, Chi cục Thủy sản An Giang, cho biết “Hiện tại, chương trình giám sát dịch bệnh vẫn chưa rõ cách thức tổ chức. Việc quản lý chất lượng con giống phải dựa vào tiêu chuẩn, qui chuẩn quốc gia nhưng Bộ chưa ban hành; áp dụng tiêu chuẩn ngành đã có thì không được mà phải chờ qui chuẩn mới. Địa phương không biết dựa vào đâu để thanh tra, kiểm tra khi về các cơ sở sản xuất, kinh doanh.”

Ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Thủy sản Cà Mau cho biết, hiện nay việc quản lý chất lượng con giống được giao cho Chi cục Thủy sản, nhưng khâu kiểm dịch và cấp phép lại do cơ quan thú y tiến hành; các vấn đề về môi trường do Phòng Tài nguyên Môi trường đảm trách, còn kiểm định chất lượng con giống và quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc trị bệnh thuỷ sản thì do Chi cục Thú y lo. Vì thế, mặc dù theo lý thuyết Chi cục Thủy sản được giao rất nhiều nhiệm vụ, nhưng không hề có thực quyền. Với những qui định đó, phần việc của Chi cục Thủy sản gần như do Chi cục Thú y và Phòng Tài nguyên Môi trường các địa phương lo trọn, còn Chi cục Thủy sản phải gánh trách nhiệm và hậu quả nếu có sự cố.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Thủy sản Vĩnh Long, cho biết, các cơ sở cung ứng thuốc thú y, thức ăn gia súc kiêm luôn việc bán các loại chế phẩm sinh học, thức ăn, thuốc trị bệnh dành cho thuỷ sản đang mọc lên như nấm ở các địa phương. Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản không thể trực tiếp kiểm tra, thẩm định chất lượng các sản phẩm đó vì không được trao quyền. Các cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thú y tự khảo nghiệm rồi bán cho người dân, Chi cục Thủy sản không nắm hết số lượng các cơ sở đủ điều kiện cung cấp nên rất khó để quản lý một cách chặt chẽ.

Vấn đề cấp bách hiện nay là phải đẩy mạnh cải cách cơ chế quản lý nếu muốn ngành thủy sản phát triển lâu dài và bền vững - đó là kết luận của đa số đại biểu tham dự các hội nghị. Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu và lãnh đạo ngành thủy sản các địa phương đều đồng tình với kết luận này và kiến nghị Nhà nước sớm xây dựng và ban hành kịp thời các qui chuẩn quốc gia, qui chuẩn kỹ thuật, xây dựng và ban hành thông tư liên Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ về việc qui định chức năng, nhiệm vụ hệ thống quản lý NTTS ở cấp tỉnh để có căn cứ pháp lý xây dựng đề án tổ chức nâng cao năng lực cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, thống nhất hệ thống quản lý từ trung ương đến các tỉnh, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các vụ, cục chuyên ngành, các chi cục trong công tác quản lý đối với từng đối tượng và lĩnh vực quản lý… tránh chồng chéo hay bỏ trống, đặc biệt là về quản lý chất lượng, con giống, kiểm dịch và điều kiện sản xuất…

Cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về việc thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thuỷ sản, triển khai nhanh dự án cung cấp giống gốc cá tra, cá rô phi  để cải tạo đàn giống, phát triểnđàn cá giống chất lượng quốc gia … là những việc cần làm ngay trong năm nay và những tháng đầu năm 2012.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Thông báo từ hệ thống